Ngài Tuệ Tĩnh sống vào thế kỉ thứ XIV, dưới thời nhà Trần, là một bậc danh sĩ, thiền sư và được tôn xưng là thần y, thánh thuốc của nền y học nước nhà.
Quê hương của Ngài là đất Hải Dương ngày nay. Ngài tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, con nhà nghèo lại sớm mồ côi cha nên được chùa làng nuôi nấng. Ngài được học chữ Hán, am tường dần Nho học và đặc biệt tinh thông Phật pháp. Năm 22 tuổi, Ngài thi đỗ tiến sĩ dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng xin không nhận quan tước, về làng tu tập, dạy chữ Hán, chữ Nôm và nghiên cứu nghề thuốc.
Tuệ Tĩnh (1330 – 1400) – Ảnh tượng Thánh y Tuệ Tĩnh tại trường Vạn Hạnh
Suốt hơn 30 năm mài mò nghiên cứu, Ngài đã tích góp kiến thức dân dân ngàn năm lưu giữ về dược liệu và các phương cách chữa bệnh, cho ra đời những tác phẩm mang tầm quốc gia về thuốc Nam và y thuật của người Nam. Đó là “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác tư y thư” cho chúng ta biết tên gọi, dược tính của hàng ngàn cây thuốc và những cách phối hợp là hàng trăm bài thuốc chữa trị vô số bệnh tật khác nhau. Ngài chữa bệnh cứu người, trồng cây làm thuốc, giúp cho đồng bào mà không màn danh lợi. Ngài cũng hết lòng truyền dạy cho các đệ tử, có nhiều người cũng là nhà sư, những kiến thức và kinh nghiệm để cứu giúp rộng rãi cho đồng bào cả nước. Ngài phân biệt rõ các phương pháp như châm, chích, chườm, xoa, bóp, ấn, day và ăn uống cũng như kết hợp chúng lại để chữa bệnh hiệu quả. Ngài hết sức nhấn mạnh việc tu dưỡng sức lực để phòng bệnh, nó cần hơn chữa bệnh.
Hơn thế nữa, Ngài cũng thường xuyên đi chữa bệnh xa, chu du khắp chốn. Đến đâu nếu hợp duyên, Ngài dừng lại, kêu gọi dân chúng xây chùa và dạy nghề thuốc ở đó. Hơn 20 ngôi chùa do Ngài lập ra khác nào những “Phòng khám Đông y từ thiện” ngày nay!
Triều đình nhiều lần mời Ngài về kinh sư chữa bệnh và mong giữ Ngài làm thái y nhưng Ngài bằng mọi cách khéo khước từ. Cuối thời nhà Trần, triều đình suy yếu, thế nước nhược hèn, nhà Minh Trung Quốc hống hách, ngang ngược quá mức. Chúng bắt triều đình ta ngoài cống phẩm phải có cống nhân. Chúng hay tin có thiền sư Tuệ Tĩnh, chúng đòi triều cống. Ngài vì nghĩa nước, vì là tôi trung nên năm 1385, khi gần 60 tuổi, phải theo đoàn sứ đi Trung Quốc và chịu làm kiếp tha nhân nơi đất khách. Người Trung Quốc vốn luôn thèm khát dược liệu phương Nam và rất nể vì nền y học nước Nam ta nên khi tới Nam Kinh, sau nhiều phép thử, chúng hết sức kính phục danh y Đại Việt. Ngài Tuệ Tĩnh được phong làm Thái y với danh xưng Đại y thiền sư. Ngài đã nhiều lần chữ bệnh cho hoàng đế sáng lập nhà Minh là Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) rồi cho Minh Huệ Tông (Chu Doãn Văn) và hoàng tộc. Chính Ngài đã giúp rất nhiều cho nền y học Trung Hoa, nhất là về dược liệu mà đặc biệt là Nam dược.
Ngài không thể hồi hương dù nhiều lần bày tỏ. Người Minh trân trọng và cần Ngài. Ngài được ban nhiều bổng lộc nhưng không lúc nào vui bởi nhớ quê hương và đồng bào mình. Có lẽ Ngài hành nghề hết lòng ở Trung Quốc chỉ bởi hai chữ Y ĐỨC. Người làm nghề y chân chánh thì cứu người đâu phân thứ loại.
Ngài mất vì tuổi cao năm 71 tuổi tại Nam Kinh. Mộ Ngài được tôn tạo và hương khói không ngừng. Một ông lão mà đêm về cứ ra sân nhìn về phương Nam, gửi lòng qua dòng lệ khi nhìn sao Nam Tào trên bầu trời cao rộng. Nỗi buổi của kẻ tha hương nhưng luôn hết lòng thương nhớ quê hương và dòng tộc thì mấy ai hiểu được.
Ngài Tuệ Tĩnh thều thào trăn trối “Ai về nước Nam cho tôi về với” và trút hơi thở cuối cùng bên những người xa lạ. Thế nên trên bia mộ Ngài có ghi câu nói ấy mà mỗi người Việt nhìn thấy đều nhỏ lệ kính thương Ngài.
Ngài Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế những tri thức vô giá và 2 danh ngôn:
“Nam dược trị Nam nhân”
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Kính tưởng nhớ Thánh y Tuệ Tĩnh.
Quốc Thệ